Viêm vùng chậu: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Viêm vùng chậu là một trong những bệnh phụ khoa gây nguy hiểm đến sức khỏe sinh sản. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất trứng và chất lượng trứng. Bệnh có thể khiến nữ giới giảm khả năng thụ thai, thậm chí vô sinh. Vậy bệnh viêm vùng chậu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa căn bệnh này như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu điều này trong bài viết sau đây.
Bệnh viêm vùng chậu là gì?
Viêm vùng chậu là viêm nhiễm ở những cơ quan vùng chậu bao gồm: tử cung, buồng trứng, hệ thống dây chằng. Đây là một bệnh nhiễm trùng cơ quan sinh sản nghiêm trọng ở nữ giới.
Viêm vùng chậu có thể do viêm nhiễm ở âm đạo, cổ tử cung lây lan hoặc do biến chứng của các bệnh tình dục. Bệnh viêm vùng chậu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra tình trạng áp xe buồng trứng, ống dẫn trứng. Đây là bệnh rất nguy hiểm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Triệu chứng viêm vùng chậu
Bệnh viêm vùng chậu có triệu chứng khá giống với các bệnh phụ khoa thông thường. Ở mức độ cấp tính, bệnh phát triển âm thầm và khó nhận biết. Do đó, chị em cần đặc biệt chú ý các triệu chứng của căn bệnh này như sau:
1. Âm đạo tiết dịch bất thường
Triệu chứng đầu tiên phổ biến nhất của bệnh viêm vùng chậu là âm đạo tiết dịch bất thường. Dịch âm đạo vốn được tiết ra hàng ngày để làm sạch âm đạo. Tuy nhiên dịch tiết ra ở mức nhất định, không màu và không mùi hoặc hơi tanh nhẹ.
Còn khi chị em bị viêm vùng chậu, âm đạo thường tiết dịch nhiều hơn, có màu sắc thay đổi và có mùi hôi khó chịu. Tuy nhiên đây cũng là triệu chứng của nhiều bệnh lý phụ khoa thông thường khiến chị em dễ nhầm lẫn.
2. Đau bụng dưới
Đây là triệu chứng đặc trưng hơn của bệnh viêm vùng chậu. Tuy nhiên nó cũng dễ nhầm lẫn với tình trạng đau bụng dưới trong chu kỳ kinh nguyệt. Những cơn đau do bệnh viêm vùng chậu gây ra thường âm ỉ ở trên vùng xương mu. Nhưng đôi khi nó cũng dữ dội từng cơn.
Khi viêm vùng chậu chuyển sang giai đoạn mãn tính, những cơn đau xuất hiện thường xuyên hơn. Cơn đau bụng dưới cũng gia tăng hơn trong các chu kỳ kinh nguyệt. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Cơn đau bụng dưới dữ dội có thể cảnh báo tình trạng vỡ khối áp xe trong vùng chậu. Đây là tình trạng rất nguy hiểm, người bệnh cần đi cấp cứu kịp thời.
Nếu thường xuyên bị đau bụng dưới bất thường, bạn nên đi khám phụ khoa để được chẩn đoán bệnh.
3. Đau lưng dưới
Cùng với đau bụng dưới, người bệnh viêm vùng chậu cũng bị đau lưng. Tình trạng này khá giống với triệu chứng trong chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên đau lưng do kinh nguyệt gây ra thường chấm dứt sau khi hết kinh. Còn đau lưng do viêm vùng chậu có xu hướng kéo dài ngày và trở nên dữ dội hơn trong chu kỳ kinh nguyệt.
4. Rối loạn kinh nguyệt
Triệu chứng tiếp theo của bệnh viêm vùng chậu là rối loạn kinh nguyệt. Điều này gây ra bởi hoạt động của buồng trứng bị ảnh hưởng. Bình thường chu kỳ kinh nguyệt kéo dài từ 28 đến 32 ngày. Khi bị viêm vùng chậu, chu kỳ kinh nguyệt có thể kéo dài hoặc ngắn hơn thời gian này. Ngoài ra, lượng máu kinh cũng có sự thay đổi, thường là nhiều hơn, rong kinh, rong huyết.
5. Rối loạn tiểu tiện
Tuy không phải triệu chứng điển hình nhưng người bệnh cũng cần chú ý khi có các biểu hiện rối loạn tiểu tiện. Viêm vùng chậu sẽ lây nhiễm đến các cơ quan xung quanh và có thể gây ra viêm đường tiết niệu. Các triệu chứng của bệnh bao gồm: đi tiểu nhiều lần, tiểu rắt, tiểu buốt, nóng rát khi đi tiểu, bí tiểu
6. Đau vùng chậu khi quan hệ
Đau khi quan hệ tình dục là triệu chứng của nhiều bệnh lý phụ khoa, bao gồm cả viêm vùng chậu. Nguyên nhân gây ra là khi quan hệ, dương vật có thể cọ xát vào vùng nhiễm, tác động đến các cơ quan vùng chậu và gây cảm giác đau tức bụng dưới.
Đồng thời khi quan hệ, âm đạo tiết ra dịch có mùi hôi khiến chị em rất mất tự tin. Điều này khiến họ trở nên thu mình và ngại gần gũi bạn đời.
Ngoài ra người bệnh viêm vùng chậu còn có thể bị chảy máu khi quan hệ. Khi hiện tượng này diễn ra thường xuyên, bạn hãy thăm khám y tế, để xác định chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời.
7. Các dấu hiệu toàn thân
Ngoài các triệu chứng đã kể trên thì viêm vùng chậu còn gây ra các dấu hiệu toàn thân như:
- Chán ăn, mệt mỏi
- ớn lạnh, sốt cao
- Sưng hạch bạch huyết
Nguyên nhân của bệnh viêm vùng chậu
Viêm nhiễm ở vùng chậu gây ra chủ yếu bởi các vi khuẩn. Các loại vi khuẩn này có thể lây nhiễm từ âm đạo hoặc lây lan thông qua quan hệ tình dục không an toàn.
Cụ thể những nguyên nhân gây viêm vùng chậu bao gồm:
1. Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ
Yếu tố đầu tiên làm tăng nguy cơ viêm vùng chậu là vệ sinh vùng kín không sạch sẽ. Điều này khiến vi khuẩn phát triển mạnh mẽ ở âm đạo. Khi chúng lây lan ngược dòng lên các cơ quan vùng chậu, có thể gây ra viêm nhiễm vùng chậu.
Những chị em không vệ sinh vùng kín hàng ngày, không vệ sinh ngay sau khi quan hệ tình dục, hoặc thụt rửa âm đạo là điều kiện thích hợp cho tác nhân gây bệnh phát triển.
2. Biến chứng khi nạo phá thai và sinh đẻ
Phụ nữ nạo phá thai nhiều lần có nguy cơ bị viêm vùng cao hơn bình thường. Điều này xảy ra do các cơ quan ở tử cung bị tổn thương nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ bị các tác nhân gây bệnh tấn công. Đây là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý phụ khoa, bao gồm cả viêm vùng chậu. Bên cạnh đó không thể không kể đến những biến chứng phá thai như sót nhau, sót thai hoặc thai chết lưu cũng là nguyên nhân gây viêm vùng chậu.
Ngoài ra sau khi sinh nở, sẽ có một lượng sản dịch được tiết ra trong một thời gian. Nếu trong giai đoạn này, không vệ sinh sạch sẽ hoặc quan hệ tình dục quá sớm, chị em sẽ có nguy cơ bị viêm vùng chậu.
3. Viêm nhiễm lây lan ngược dòng
Nữ giới bị viêm âm đạo không được điều trị triệt để sẽ có nguy cơ cao bị viêm vùng chậu. Điều này xảy ra do viêm nhiễm lây lan ngược dòng lên buồng tử cung.
4. Biến chứng sau phẫu thuật
Một số thủ thuật ngoại khoa cũng làm tăng nguy cơ viêm vùng chậu bao gồm:
- Đặt vòng tránh thai
- Thông tắc vòi trứng
- Bóc tách u xơ tử cung,…
Khi các thủ thuật này không được đảm bảo vô trùng, các tác nhân gây bệnh theo các dụng cụ y tế xâm nhập vào vùng chậu và gây ra viêm nhiễm.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm vùng chậu
Bệnh viêm vùng chậu chủ yếu xuất huyết ở phụ nữ đã quan hệ tình dục dưới 25 tuổi. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh là:
- Từng mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, đặc biệt là bệnh lậu
- Quan hệ tình dục quá sớm
- Có nhiều bạn tình
- Quan hệ tình dục không an toàn
- Sử dụng dung dịch vệ sinh có nồng độ tẩy rửa quá mạnh làm mất cân bằng môi trường âm đạo. Điều này tạo điều kiện cho các vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm phụ khoa.
- Thực hiện đặt các dụng cụ tử cung như đặt vòng tránh thai.
Biến chứng của bệnh viêm vùng chậu
Viêm vùng chậu là bệnh phụ khoa nguy hiểm và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Dưới đây là những tác hại của bệnh viêm vùng chậu:
1. Rối loạn kinh nguyệt
Viêm vùng chậu gây rối loạn kinh nguyệt và khiến các triệu chứng tiền kinh nguyệt có xu hướng trầm trọng hơn. Người bệnh thường bị đau bụng kinh dữ dội, rong kinh gây mất máu kéo dài.
Khi bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính, khung chậu bị tụ máu khiến kinh nguyệt thất thường lúc nhiều, lúc ít.
2. Mang thai ngoài tử cung
Biến chứng vô cùng nguy hiểm do viêm vùng chậu gây ra là mang thai ngoài tử cung. Khi vòi trứng bị viêm nhiễm miễn và tắc, trứng không thể di chuyển đến tử cung để thụ thai. Quá trình thụ thai có thể diễn ra ngay tại vòi trứng. Đây là tình trạng mang thai ngoài tử cung ở vòi trứng.
Khi thai nhi phát triển và làm vỡ vòi trứng, điều này sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe thai phụ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy mang thai ngoài tử cung cần được phát hiện và xử lý kịp thời.
3. Nguy cơ vô sinh
Viêm vùng chậu ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của buồng trứng, làm giảm số lượng và chất lượng của trứng. Điều này giảm khả năng thụ thai, thậm chí gây vô sinh.
Ngoài ra viêm nhiễm ở buồng trứng, vòi trứng còn gây ra tình trạng áp xe - là những khối mủ viêm. Áp xe bị vỡ sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm vùng bụng, khiến người bệnh vô cùng đau đớn. Điều này cũng gây tắc vòi trứng khiến quá trình thụ thai không thể diễn ra.
Viêm tắc vòi trứng là một trong những nguyên nhân lớn gây vô sinh ở nữ giới. Có khoảng 10 đến 15% người mắc bệnh viêm vùng chậu có thể bị vô sinh. Ngay cả khi đã điều trị khỏi, người bệnh vẫn có thể có nguy cơ giảm khả năng sinh sản.
Cách điều trị bệnh viêm vùng chậu
Việc điều trị kịp thời là rất cần thiết để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm vùng chậu. Có nhiều phương pháp điều trị căn bệnh này, tùy thuộc vào mức độ bệnh như sau:
Điều trị viêm vùng chậu bằng phương pháp nội khoa
Đây là biện pháp điều trị sử dụng các loại kháng sinh để ức chế vi khuẩn phát triển. Phương pháp này được áp dụng cho bệnh viêm vùng chậu ở mức độ nhẹ, đồng thời tăng cường sức đề kháng để ngăn ngừa bệnh tái phát
Điều trị viêm vùng chậu bằng phương pháp phẫu thuật
Khi bệnh viêm vùng chậu phát triển ở mức độ nặng và gây ra áp xe, bệnh phải điều trị bằng các biện pháp phẫu thuật. Bác sĩ sẽ chọc hút ổ áp xe và loại bỏ chúng, trước khi chúng có nguy cơ bị vỡ.
Cách phòng ngừa bệnh viêm vùng chậu
Phòng ngừa viêm vùng chậu là cách tốt nhất để ngăn chặn các tác hại nguy hiểm của căn bệnh này. Bạn nên thực hiện các biện pháp sau:
- Quan hệ tình dục an toàn, chung thủy chế độ một vợ một chồng
- Không quan hệ tình dục bừa bãi
- Sử dụng bao cao su để tránh lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục - là một nguyên nhân lớn gây viêm vùng chậu
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ hàng ngày ngày
Chúng tôi đã chia sẻ đến bạn những nguyên nhân gây viêm vùng chậu, triệu chứng viêm vùng chậu cũng như phương pháp điều trị. Hi vọng bạn đã nắm được những kiến thức quan trọng để phòng ngừa cũng như nhận biết sớm căn bệnh này để điều trị kịp thời.