Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, cách điều trị
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là vấn đề không hiếm gặp ở nam giới sau độ tuổi dậy thì. Nó có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. 40% các trường hợp nam giới bị vô sinh có liên quan đến giãn tĩnh mạch thừng tinh. Vậy giãn tĩnh mạch thừng tinh là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh như thế nào? Hãy tìm hiểu những điều này trong nội dung ngay sau đây!
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là gì?
Thừng tinh là một ống bao gồm ống dẫn tinh, mạch máu, dây thần kinh. Nó nối từ mỗi bên tinh hoàn đến phần dưới ổ bụng.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng các tĩnh mạch trong thừng tinh bị giãn nở. Chúng to lên bất thường đến mức có thể quan sát được bằng mắt thường. Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên tinh hoàn, nhưng hiện tượng này thường gặp ở tinh hoàn trái.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh được chia làm 5 cấp độ, bao gồm:
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 0: Đây là mức độ giãn nhẹ nhất. Việc thăm khám lâm sàng sẽ không phát hiện được mà chỉ được phát hiện thông qua hình ảnh siêu âm.
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 1: Lúc này các tĩnh mạch trong thừng tinh bị giãn ra và phình lên tạo thành búi tĩnh mạch. Người bệnh có thể sờ được búi tĩnh mạch này khi thực hiện chẩn đoán bằng phương pháp Valsava.
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 2: Búi tĩnh mạch phình to hơn đến mức người bệnh có thể sờ được nó trong tư thế đứng thẳng.
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 3: Lúc này, chỉ với việc quan sát trong tư thế thẳng đứng, người bệnh cũng thấy được búi tĩnh mạch.
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 4: Người bệnh dễ dàng nhìn thấy búi tĩnh mạch dù đứng hay nằm.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh sẽ ngày càng phát triển nặng hơn theo thời gian. Tuy nhiên, đôi khi cũng có người bị nhiều năm mà không có hậu quả gì nghiêm trọng.
Nguyên nhân giãn tĩnh mạch thừng tinh
Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thừng tinh. Tuy nhiên có một số giả thuyết như sau:
- Các van tĩnh mạch hoạt động kém hoặc bị suy van. Điều này làm máu lưu thông trong tĩnh mạch không ổn định. Khi lượng máu chảy về tĩnh mạch quá lớn, nó sẽ gây ra ứ đọng máu và làm thừng tinh bị giãn.
- Nhiệt độ ở tinh hoàn và bìu tăng bất thường: Điều này có thể khiến tuyến thượng thận tiết ra nhiều chất chuyển hóa. Các chất này tràn vào tĩnh mạch và ứ đọng tại tĩnh mạch. Kết quả là hiện tượng giãn tĩnh mạch thừng tinh.
- Tắc nghẽn tĩnh mạch lớn tại vùng bụng: Đây thường là biến chứng do các khối u (ví dụ như khối u thận) gây áp lực lên tĩnh mạch ở bìu. Trường hợp này ít gặp và thường chỉ xuất hiện ở nam giới trên 40 tuổi.
Ngoài những nguyên nhân trên, có một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ khiến nam giới mắc giãn tĩnh mạch thừng tinh là:
- Thói quen lười vận động
- Trong gia đình từng có người mắc bệnh
- Suy tĩnh mạch mãn tính trước đó
Triệu chứng giãn tĩnh mạch thừng tinh
Bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh mức độ nhẹ không có triệu chứng rõ ràng. Do đó người bệnh rất khó phát hiện bệnh ở giai đoạn này. Khi bệnh phát triển nặng hơn, các triệu chứng của nó cũng rõ rệt và dễ phát hiện hơn.
Cụ thể các triệu chứng của bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh là:
- Cảm giác căng tức, nặng nề ở vùng bìu. Cảm giác này được cảm nhận rõ nhất khi nam giới đứng hoặc ngồi lâu một chỗ.
- Búi tĩnh mạch ở bìu phình to hơn bình thường. Bằng việc sở và quan sát, nam giới có thể cảm nhận thấy búi tĩnh mạch như một túi giun.
- Tinh hoàn bị sưng đau và phù nề. Cơn đau được cảm nhận rõ ràng khi nam giới gắng sức vận động. Cơn đau sẽ giảm khi nam giới nằm xuống.
- Nhiệt độ ở bìu tăng lên: Điều này làm máu ứ đọng trong tĩnh mạch thừng tinh. Nó khiến tinh hoàn bị teo, co rút hoặc thay đổi hình dạng.
Để xác định chính xác bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh, người bệnh cần đi thăm khám và siêu âm. Nếu đường kính của tĩnh mạch thừng tinh lớn hơn 2,5mm, thì đó rất có thể là dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh.
Khi đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán thêm bằng phương pháp Valsalva. Khi giãn tĩnh mạch thừng tinh phát triển đến cấp độ 3, bác sĩ có thể dễ dàng quan sát được búi tĩnh mạch dưới da bìu. Người bệnh cũng cảm nhận được tình trạng đau tinh hoàn rõ ràng hơn.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh gây ảnh hưởng gì?
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là bệnh lý nguy hiểm, nó có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới. Cụ thể những ảnh hưởng của bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh là:
- Nhiệt độ tinh hoàn tăng làm giảm chất lượng tinh trùng, kéo theo giảm khả năng thụ thai.
- Búi tĩnh mạch phát triển lớn làm suy thoái sợi cơ ở da bìu. Điều này có thể khiến bìu bị sa xuống, ảnh hưởng đến cấu trúc cơ quan sinh dục và chuyện quan hệ tình dục.
- Bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể làm tổn thương ống sinh tinh gây ra biến chứng co rút và teo tinh hoàn.
- Bệnh lý về tinh hoàn ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng và chất lượng tinh trùng. Theo đó, người bệnh có nguy cơ bị giảm khả năng thụ thai hoặc bị vô sinh hiếm muộn.
Cách điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh, bao gồm cả nội khoa và ngoại khoa. Các phương pháp này chỉ được phép thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm,
Cụ thể cách điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh như sau:
Điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh bằng thuốc
Các loại thuốc được sử dụng để giúp người bệnh giảm đau là: paracetamol, ibuprofen…Người bệnh có thể sử dụng thêm các loại thuốc đông y để tăng hiệu quả điều trị.
Ngoài ra, người bệnh có thể được sử dụng thêm một số loại thuốc để hỗ trợ cải thiện số lượng và chất lượng tinh trùng. Đó là các thuốc nội tiết, kẽm, vitamin hoặc các khoáng chất thiết yếu.
Điều trị bằng các biện pháp ngoại khoa
Phương pháp ngoại khoa thường được áp dụng để điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh ở cấp độ 3 trở lên. Khi đó người bệnh thường bị đau và tức bìu kéo dài.
Các kỹ thuật ngoại khoa được áp dụng để điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh là:
- Phẫu thuật nội soi thắt tĩnh mạch tinh
- Phẫu thuật thắt tĩnh mạch bằng mổ hở. Tỷ lệ tái phát khi điều trị bằng phương pháp này là 4-11%.
- Phẫu thuật truyền thống qua đường bẹn, bìu. Phương pháp này ít phức tạp hơn các phương trên nhưng có tỷ lệ tái phát cao.
Những lưu ý khi bị giãn tĩnh mạch thừng tinh
Ngoài việc điều trị bằng thuốc, người bệnh bị giãn tĩnh mạch thừng tinh cần chú ý trong sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể, bạn nên lưu ý những điều sau:
- Kiêng các chất kích thích như rượu/bia, đồ ngọt, đồ uống có gas…
- Hạn chế ăn những thực phẩm cay nóng, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ.
- Nên ăn thực phẩm lành mạnh, các loại thực phẩm có chứa vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Tập luyện thể thao vừa sức, tránh những môn vận động mạnh như bóng đá, điền kinh, bóng rổ, leo núi… Những môn thể thao này còn có nguy cơ cao gây chấn thương đến vùng bìu.
- Không mặc đồ lót bó sát, gây bí bách vùng kín, không mặc đồ lót bằng được làm các chất liệu nilon, giữ nhiệt…
- Không nên tắm nước quá nóng vì nhiệt độ cao sẽ khiến giãn tĩnh thừng tinh càng nghiêm trọng hơn.
- Không nên đứng hoặc ngồi quá lâu một chỗ. Nhân viên công sở phải ngồi nhiều, nên đứng lên đi lại thường xuyên.
- Hoạt động tình dục điều độ: người bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh vẫn có thể quan hệ tình dục. Tuy nhiên, bạn nên quan hệ ở mức độ vừa phải, 1-2 lần/ tuần là hợp lý. Nếu bệnh ở mức độ nặng, bạn nên kiêng quan hệ cho đến khi điều trị khỏi bệnh.
Trên đây, chúng tôi đã chia sẻ đến bạn hiện tượng giãn tĩnh mạch thừng tinh. Hy vọng bạn đã nắm được giãn tĩnh mạch thừng tinh là gì, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị vấn đề này. Khi có triệu chứng giãn tĩnh mạch thừng tinh, bạn hãy nhanh chóng liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn điều trị kịp thời.