Tổng quan về tiểu buốt: Nguyên nhân, chuẩn đoán và cách điều trị
Những cơn tiểu buốt luôn gây ra sự khó chịu cho cả nam giới và nữ giới. Đặc biệt nó còn có thể là dấu hiệu của những căn bệnh nguy hại ở hệ tiết niệu như viêm niệu đạo, viêm bàng quang… Việc xác định được chính xác nguyên nhân gây tiểu buốt cũng như cách chẩn đoán và điều trị bệnh là điều vô cùng cần thiết để ngăn chặn các biến chứng nguy hại do tình trạng này gây ra.
Tiểu buốt là gì?
Tiểu buốt (đái buốt) là một thuật ngữ dùng để miêu tả tình trạng người bệnh khi đi tiểu có cảm giác bị đau buốt, khó chịu ở cơ quan sinh dục. Đây thường là kết quả của việc kích thích vùng tam giác ở cổ bàng quang hay niệu đạo. Nó sẽ khiến cho niệu đạo bị đè ép, gây khó khăn ngay từ khi đi tiểu với cảm giác nóng rát khi tiểu tiện.
Trên thực tế, tình trạng tiểu buốt thường xuất hiện ở cuối bãi tiểu, cơn đau buốt có thể kéo dài từ 5 – 7 giây cho đến khi nước tiểu được đẩy hết ra ngoài. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp người bệnh bị tiểu buốt ngay đầu bãi tiểu hoặc xuất hiện từ đầu bãi tiểu cho tới cuối bãi tiểu.
Trong phần lớn các trường hợp, khi người bệnh bị tiểu buốt thường xuất hiện kèm theo một số dấu hiệu rối loạn tiểu tiện khác như: tiểu khó, tiểu rắt, tiểu nhiều lần…
Nguyên nhân tiểu buốt là vì sao?
Theo các chuyên gia tiết niệu, tình trạng tiểu buốt có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Đôi khi nó chỉ là dấu hiệu của việc cơ thể bị nóng trong do ăn đồ cay nóng thường xuyên hay do uống nhiều bia rượu…
Tuy nhiên, nguyên nhân phổ biến và thường gặp nhất của tình trạng tiểu buốt ở cả nam giới và nữ giới thường là các bệnh ở hệ tiết niệu. Trong đó phổ biến nhất là những căn bệnh sau:
Viêm niệu đạo, nhiễm trùng niệu đạo
Niệu đạo là một ống chức năng nối liền bàng quang với lỗ tiểu có chức năng dẫn nước tiểu ra bên ngoài cơ thể. Ở nam giới, niệu đạo còn có nhiệm vụ phóng tinh dịch ra ngoài khi quan hệ hay thủ dâm.
Viêm niệu đạo hay nhiễm trùng niệu đạo là tình trạng ống niệu đạo bị các loại vi khuẩn, nấm,… tấn công và gây viêm nhiễm, nhiễm trùng. Nó sẽ khiến cho người bệnh gặp phải các triệu chứng như: khó tiểu, bí tiểu, tiểu gấp, nóng buốt khi đi tiểu, ngứa và khó chịu dọc niệu đạo, bị đau khi quan hệ tình dục…
Hẹp niệu đạo
Đây là tình trạng một hoặc nhiều vị trí bên trong ống niệu đạo bị co hẹp lại với kích thước đường kính bé hơn bình thường. Điều này sẽ làm cản trở dòng tiểu, khiến cho lưu lượng dòng tiểu bị giảm đi. Đó là lý do vì sao những người bị hẹp niệu đạo thường xuyên gặp phải tình trạng tiểu khó, tiểu buốt, tiểu nhiều lần, tiểu ngắt quãng, lượng nước tiểu trong mỗi lần đi tiểu ít…
Thông thường bệnh hẹp niệu đạo gặp nhiều ở nam giới hơn nữ giới. Nguyên nhân là bởi niệu đạo nam có cấu tạo dài hơn và dễ bị tổn thương hơn. Nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, hẹp niệu đạo sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt hay viêm mào tinh hoàn…
Viêm bàng quang, nhiễm trùng bàng quang
Bàng quang là một cơ rỗng có nhiệm vụ chứa nước tiểu. Tình trạng viêm, nhiễm trùng bàng quang thường là biến chứng của bệnh viêm niệu đạo không chữa trị triệt để, khiến cho vi khuẩn lây lan ngược dòng vào bàng quang.
Căn bệnh này thường dẫn tới tình trạng đái buốt, đái rắt, đái nhiều lần. Ngoài ra, người bệnh sẽ thấy nước tiểu có màu đục, có mùi hôi bất thường, thậm chí có thể lẫn máu. Kèm theo đó là những cơn đau bất thường ở cơ quan sinh dục và sốt nhẹ…
Sỏi hệ tiết niệu
Một bệnh lý khác cũng là nguyên nhân gây tiểu buốt chính là sỏi tiết niệu. Đây là tình trạng các muối khoáng hòa tan có trong nước tiểu bị kết tinh, hình thành các viên sỏi có kích thước khác nhau ở các vị trí nào trong hệ tiết niệu như:
- Sỏi thận
- Sỏi bàng quang
- Sỏi niệu đạo
- Sỏi niệu quản
Theo thời gian, các viên sỏi sẽ lớn dần về kích thước. Và nó sẽ làm cản trở sự di chuyển của dòng tiểu, hình thành chứng bệnh rối loạn tiểu tiện, trong đó thường gặp nhất là tình trạng tiểu buốt.
Viêm bể thận
Viêm bể thân là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở một hoặc cả 2 quả thận. Bệnh lý này cũng thường bắt nguồn từ biến chứng của viêm niệu đạo khi không điều trị triệt để. Nó khiến cho các vi khuẩn gây hại lan rộng đến hệ tiết niệu trên, gây viêm nhiễm.
Khi mắc bệnh lý này, ngoài tình trạng tiểu buốt, người bệnh sẽ gặp những dấu hiệu điển hình khác như: có cảm giác nóng rát khi đi tiểu, tiểu đau, khó tiểu, tiểu nhiều lần, nước tiểu đục, có mùi hôi, khai…
Viêm tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt là một tuyến chức năng nằm trong cơ quan sinh dục nam giới. Nó có chức năng tạo dịch kiềm để hòa vào tinh dịch nuôi dưỡng tinh trùng và co bóp, kiểm soát nước tiểu thông qua các thùy tuyến tiền liệt.
Tình trạng viêm tuyến tiền liệt thường xảy ra do sự tấn công của các loại vi khuẩn gram âm, vi khuẩn E.Coli. Nó sẽ khiến cho tuyến tiền liệt bị sưng, phình to hơn gây chèn ép niệu đạo, bàng quang. Và điều này sẽ gây rối loạn các hoạt động của hệ tiết niệu, dẫn đến chứng tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu nhiều lần, tiểu ngắt quãng…
U xơ tiền liệt tuyến
U xơ tiền liệt tuyến hay phì đại tuyến tiền liệt là tình trạng tuyến tiền liệt nam bị phình to về kích thước. Nó gây chèn ép bàng quang, niệu đạo và dẫn tới một loạt các triệu chứng rối loạn tiểu tiện như tiểu buốt, tiểu khó, có cảm giác đau rát khi đi tiểu… Bệnh thường xảy ra ở những nam giới đang trong độ tuổi trung niên.
Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt là một căn bệnh nguy hại, có tốc độ phát triển chậm với các biểu hiện không thường xuyên. Nó dễ khiến cho người bệnh bị nhẫm lẫn với các bệnh lý rối loạn tiểu tiện khác.
Bệnh ung thư tuyến tiền liệt thường được phát hiện khi đã chuyển sang giai đoạn nặng. Người bệnh có thể gặp phải một số biểu hiện phổ biến như tiểu buốt, tiểu đau, tiểu bí, đi tiểu ra máu, tiểu không tự chủ… Nếu không được chữa trị kịp thời, dạng u ác tính này có thể gây nguy hại tới tính mạng người bệnh.
Viêm âm đạo, nhiễm trùng âm đạo
Đây là một căn bệnh phụ khoa xảy ra ở khá nhiều nữ giới do sự tấn công của các loại vi khuẩn có hại vào âm đạo gây viêm nhiễm.
Ngoài các triệu chứng đặc trưng như khí hư ra nhiều, có mùi hôi, ngứa âm đạo, âm hộ, đau khi giao hợp… Tình trạng viêm âm đạo có thể gây sưng đau cho cơ quan sinh dục, từ đó dẫn tới các biểu hiện bất thường khi đi tiểu như, khó tiểu, tiểu đau buốt.
Viêm vùng chậu (PID)
Viêm vùng chậu (viêm phần phụ) là một bệnh lý nhiễm trùng xảy ra ở các bộ phận quan trọng trong cơ quan sinh sản như: cổ tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung,…
Căn bệnh này thường gây ra những triệu chứng như khí hư ra nhiều, có màu vàng, xanh hoặc trắng đục, đau bụng dưới, đau khi quan hệ, xuất huyết âm đạo bất thường, đau buốt khi đi tiểu, tiểu nhiều lần…
Viêm ống dẫn trứng
Viêm ống dẫn trứng là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở ống dẫn trứng (vòi trứng) của nữ giới. Đây là phần nối tử cung và buồng trứng và là đường đi của trứng, tinh trùng và trứng đã thụ tinh thành công.
Bệnh viêm vòi trứng có thể xảy ra ở cả một hoặc 2 bên vòi trứng. Nguyên nhân của nó thường bắt nguồn từ tình trạng viêm nhiễm ở âm đạo lây lan lên trên. Nó khiến cho người bệnh gặp phải các vấn đề như: rối loạn kinh nguyệt, khí hư ra nhiều bất thường, ngứa âm đạo, rối loạn tiểu tiện, tiểu buốt, tiểu khó, đau vùng chậu…
Nếu không chữa trị kịp thời, tình trạng viêm nhiễm ở ống dẫn trứng có thể dẫn tới tắc vòi trứng, khiến nữ giới dễ bị vô sinh.
Bị tiểu buốt có nguy hại không?
Nhiều người thường cho rằng tình trạng tiểu buốt chỉ là một biểu hiện nhất thời và sẽ chấm dứt trong thời gian nhanh chóng. Tuy nhiên nếu tình trạng này bắt nguồn từ các bệnh lý thì nó có thể kéo dài liên tục từ ngày này sang ngày khác, với mức độ nặng dần.
Và nếu không được thăm khám, chữa trị kịp thời, tình trạng tiểu buốt sẽ gây ra nhiều sự nguy hại đối với sức khỏe và cuộc sống của bạn như:
- Khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, khó chịu mỗi khi đi tiểu. Dần dần hình thành chứng sợ đi tiểu, nhịn tiểu lâu khiến bệnh tình trở nên nặng hơn.
- Làm suy giảm sức khỏe cơ quan sinh dục. Ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động sinh hoạt thường ngày, đời sống tình dục, vợ chồng.
- Làm tăng nguy cơ viêm nhiễm cơ quan sinh dục. Ở nam giới có thể dẫn tới tình trạng viêm tinh hoàn, viêm ống dẫn tinh, viêm mào tinh hoàn… Ở nữ giới có thể bị viêm tử cung, viêm lộ tuyến, viêm vùng chậu… Các bệnh lý này sẽ làm giảm khả năng thụ thai, tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn.
- Ảnh hưởng tới chức năng hoạt động của thận. Có thể dẫn tới viêm thận, suy thận và các biến chứng nghiêm trọng tới sức khỏe toàn thân
- …
Chính vì vậy, các bạn cần cảnh giác hơn với những cơn đau buốt khi đi tiểu và nên chủ động thăm khám sớm để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn gặp phải các cơn tiểu buốt, đừng cố chịu đựng sự khó chịu này mà hãy tới gặp bác sĩ khi các triệu chứng kéo dài như:
- Tình trạng tiểu buốt kéo dài nhiều ngày liền không dứt
- Bị tiểu buốt kèm theo sốt, mệt mỏi
- Nước tiểu có mùi hôi nồng hoặc có lẫn máu
- Bị đái buốt kèm đau bụng, đau vùng chậu
- Xuất hiện dịch lạ ở cơ quan sinh dục
- Đang mắc các bệnh về bàng quang, sỏi thận
Chẩn đoán tiểu buốt bằng cách nào?
Để chẩn đoán được tình trạng tiểu buốt do nguyên nhân nào gây ra, người bệnh sẽ cần phải thực hiện các cách sau:
- Xác định bệnh sử: Bao gồm thời gian xuất hiện triệu chứng, các triệu chứng đó đã từng xuất hiện trước đây hay chưa; các triệu chứng đi kèm; có quan hệ tình dục không an toàn hay không; có áo dụng các biện pháp kích thích đáy chậu hay sử dụng các dụng cụ can thiệp vào đường tiết niệu không?…
- Khám toàn thân: Mục đích giúp tìm kiếm các gợi ý về nguyên nhân gây tiểu buốt
- Tiền sử bệnh tật: Lưu ý đến các nhiễm trùng tiết niệu trước đó, các bất thường ở đường tiểu, các bệnh truyền nhiễm tiềm ẩn hay tiền sử về suy giảm miễn dịch…
- Khám bệnh: Xem xét các dấu hiệu sinh tồn ở cơ quan sinh dục, tiết niệu, trực tràng… ở người bệnh. Lưu ý đến các dấu hiệu đặc biết như sốt, đau lưng hông, các can thiệp gần đây, tình trạng suy giảm miễn dịch, các đợt tái phát…
- Xét nghiệm: Đánh giá bằng hình thức xét nghiệm nước tiểu giữa dòng và nuôi cấy. Trong một số trường hợp có thể thực hiện xét nghiệm soi tươi dịch âm đạo/niệu đạo hoặc thử thai ở phụ nữ.
Cách điều trị tình trạng tiểu buốt hiệu quả
Để nhanh chóng cải thiện tình trạng tiểu buốt thì việc xác định được chính xác nguyên nhân gây ra vấn đề này là điều cần thiết. Chính vì vậy, các bạn hãy đến các cơ sở y tế để thăm khám và kiểm tra. Từ đó bác sĩ sẽ chẩn đoán được nguyên nhân gây ra vấn đề này là do đâu để áp dụng biện pháp chữa trị phù hợp nhất.
Hiện nay, đối với những bệnh lý gây ra chứng tiểu buốt ở cả nam giới và nữ giới, bác sĩ sẽ hướng dẫn sử dụng các loại thuốc khác nhau để chữa trị. Trong đó chủ yếu là các nhóm thuốc kháng sinh đặc hiệu có công dụng tiêu diệt vi khuẩn, phòng chống viêm nhiễm và làm lành các tổn thương.
Tùy vào từng loại tác nhân gây viêm nhiễm, nhiễm trùng ở hệ tiết niệu, sinh dục là gì mà người bệnh sẽ được tư vấn loại thuốc chữa trị phù hợp nhất. Đối với diện bệnh ung thư, người bệnh có thể cần phải áp dụng các phương pháp ngoại khoa như phẫu thuật cắt tế bào tử cung hay xạ trị, hóa trị…
Ngoài cách chữa trị bằng thuốc Tây y, những bệnh nhân bị mắc chứng tiểu buốt cũng có thể áp dụng một số cách chữa tiểu buốt bằng đông y, thuốc nam như:
- Dùng kim tiền thảo và mã đề
- Uống nước sắc râu ngô
- Uống bột sắn dây
- Sử dụng kim ngân hoa
- …
Tuy nhiên hiệu quả của các bài thuốc này thường chỉ phù hợp với những trường hợp bị mắc chứng tiểu buốt do chứng nóng trong. Còn với những người bị tiểu buốt do các bệnh lý viêm nhiễm, bệnh nam khoa, phụ khoa… thì khó cho hiệu quả tốt. Các bạn nên cân nhắc để có sự áp dụng phù hợp.
Những lưu ý quan trọng để phòng tránh chứng tiểu buốt
Tình trạng tiểu buốt dù chỉ xảy ra trong một vài ngày hay trong nhiều ngày liên tiếp đều có thể gây ra nhiều sự phiền toái cho cuộc sống của chúng ta. Bởi vậy, việc phòng tránh chứng tiểu buốt là điều rất quan trọng.
Theo các chuyên gia y tế, một chế độ sinh hoạt và thói quen hàng ngày tốt sẽ là yếu tố giúp mỗi người chúng ta tránh gặp phải chứng tiểu buốt khó chịu.
- Uống đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày
- Nên uống nhiều nước vào buổi sáng, hạn chế uống nhiều nước sau 21h tối.
- Tuyệt đối không nên nhịn tiểu quá lâu, khi có cơn buồn tiểu thì nên đi tiểu ngay
- Bổ sung thêm nhiều loại rau xanh, thực phẩm giàu chất xơ để giúp cơ thể được mát trong, tránh bị rối loạn tiểu tiện, táo bón
- Hạn chế sử dụng các thực phẩm gây kích thích bàng quang như: đồ ăn chua, trái cây chua, thực phẩm có tính axit cao, rượu bia, các loại đồ uống có cồn, caffein…
- Không dùng các loại nước xả vải có mùi thơm nồng để tránh gây kích ứng
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ để tránh lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục
- Luôn giữ cho vùng kín được sạch sẽ, vệ sinh thường xuyên mỗi ngày bằng nước sạch
- …
Trên đây là một số thông tin tổng quan về tiểu buốt do các chuyên gia của Bacsytuvan cung cấp. Mong rằng với những chia sẻ này, các bạn đã hiểu hơn về các nguyên nhân gây tiểu buốt và chủ động hơn trong việc chẩn đoán, chữa trị bệnh. Nếu bạn còn băn khoăn gì về vấn đề này, hãy liên hệ ngay tới Bacsytuvan để nhận được sự hỗ trợ cụ thể và nhanh chóng.